Người sinh viên văn khoa ấy đã luống tình nhiều lần để rồi mỗi hộc tủ của ký ức là một trang nhật ký, một bức thư tình hay một kỷ niệm dấu yêu dành cho tình nhân… Hãy mong cho điều ấy xảy ra . Nói rằng chính anh đã muốn như thế cũng đúng. Nếu không thì phận đời đẹp trai, nhà giàu, học giỏi và cả cái cá tính âm thầm đầy thuyết phục của anh đã chẳng thể cho đời những tình ca bất hủ : ” Áo Lụa Hà Đông, Bài Tình Ca Cho Em, Dấu Tình Sầu, Giọt Nước Mắt Ngà, Mắt Biếc…”, cho đến “Giáng Ngọc”như một thổn thức ngất ngây giữa phố thị hào hoa. Chưa hết! Vẫn còn một bến mê nào đó thấp thoáng bên giáo đường , nơi đây anh lại quay quắt tự hỏi: ta yêu nàng hay yêu giọng hát?
Cũng theo tinh thần của nhạc Việt trong phong cách mới, Lê Vũ trở lại lần này với nhạc phẩm nổi tiếng “Từ Giọng Hát Em” của Ngô Thụy Miên trong một tiết tấu hoàn toàn khác biệt với giai điệu của bài nhạc. “Từ Giọng Hát Em” với giai điệu chậm buồn, khoan thai được lồng vào trong một tiết tấu dồn dập, thôi thúc. Những nốt nhạc phụ họa được đặt vào những nhịp phách chõi (syncope) như là để cộng hưởng với tiết tấu nhanh này. Ý định của người hoà âm là muốn dùng nhịp điệu để diễn tả tâm tình dâng trào, cuộn sóng, nhiều bi kịch tính… Tuy nhiên, người nghe có cảm nhận được hay không là một việc khác.
Nhạc Việt rất dồi dào trong giai điệu nhưng thường ít phát triển trong phương diện tiết tấu, điệu nhạc. Quanh đi quẩn lại chỉ có một vài điệu như slowrock 12/8, boston (slow waltz), waltz, rhumba, bolero, chacha… Thỉnh thoảng mới có một vài bài swing, twist… Những nhạc viết sau này theo thể loại techno thì kém xúc tích, khá nghèo nàn trong ý nhạc vì mang tính cách thương mại hơn là nghệ thuật. Làm thế nào để mang những nhịp đập mới của thời đại vào giòng nhạc Việt trau chuốt, trữ tình? Có thể làm được không? Hay là lại trở thành “không lọt tai” hoặc “đấm vào tai” music? Mời bạn nghe nhạc cùng tìm tòi khám phá với Lê Vũ.
Leave a Comment/Request