“Điệu Buồn”

stairs

Khi giấc ngủ cô đơn chập chờn theo đêm đi vào vùng hoang man của những bước chân kỷ niệm thì bao nhiêu ngày cũ ấy xanh tươi như tuổi sống đong đầy vui đi buồn đến bỗng hiện về. Lối cũ còn in dấu chân nay đã xa của tình yêu si mê một thuở. Tình đầu tiếp nối bằng cuộc sống lứa đôi đã đưa tôi vào đời bằng những buổi sáng đẹp tinh mơ của hạnh phúc. Thế rồi những bất cập của hai tâm hồn không hàn gắn được lớn dần theo thời gian cho đến chọn lựa sau cùng là đoạn tuyệt. Từ độ chia ly tôi với chàng như cơn mộng vỡ theo dáng xưa êm đềm quay gót phó mặc cho cả hai xót xa, luyến tiếc nhìn theo…Còn đó những lúc loanh quanh, trốn tránh ám ảnh của thời xưa thân ái bằng cách đem cất đi những khung hình còn ghi dấu kỷ niệm ngày chưa mang những đổ vỡ…Còn đó tiếng lá xào xạc quét lên mái hiên bên ngoài phòng ngủ ngỡ như tiếng bước chân ai về từ xa vắng…Còn đó phải chăng men tình chưa nhoà trên bờ môi thấm lệ, bờ môi khẽ rung ngân một ” ĐỊÊU BUỒN” với cung sầu đành thôi khép kín.

Hoàng Cương lưu bút

 

Trên internet chỉ tìm được 2 phiên bản của nhạc phẩm này. Trong phiên bản do ca sĩ Sĩ Phú trình bày thì nhạc phẩm “Điệu Buồn” này được người đăng nhận là do nhạc sĩ Đào Duy viết. Trong khi đó phiên bản do ca sĩ Thùy Dương hát và Thúy Nga Paris phát hành thì lại được người giới thiệu cho là của nhạc sĩ Thanh Trang. Mặc dù cho rằng giai điệu này có mang hơi hướm nhạc Thanh Trang nhưng LV được xác nhận bằng một nhân vật rất quen thuộc với nhạc Thanh Trang là bài này không phải của người nhạc sĩ kiêm cựu giáo sư Viện Đại Học Đà Lạt này. Theo anh thì trong tất cả 39 bài của Thanh Trang, không có bài nào là bài “Điệu Buồn” cả.

Điều ngạc nhiên là nhạc phẩm xưa thật trữ tình, thật tha thiết này lại ít được người biết đến. Ngay cả LV cũng là lần đầu tiên được anh Huy Thắng giới thiệu đến giai điệu ngọt ngào này. Vừa nghe là cảm thấy lôi cuốn ngay. LV soạn hòa âm bài này trong ý tưởng của một serenade dịu dàng chậm rãi. Tiếng piano mở đầu để dẫn dắt tiếng hát trong tâm tình uyển chuyển, đằm thắm. Sau đó là strings ensemble len lỏi vào xen kẽ với tiếng sáo, tiếng đàn thùng. French horns được xử dụng trong phần điệp khúc để tăng thêm nét kịch tính của bài. Sau một thời gian nghỉ hè, Huy Thắng trở lại với LeVuMusic qua nhạc phẩm do chính anh chọn lọc: “Điệu Buồn”.

 

Huy Thắng

 

Comments are closed.

Blog at WordPress.com.

Up ↑

%d bloggers like this: