Hai đầu giới tuyến của cõi lòng đã mịt mù từ chín kiếp. Long đong theo phận người biết gian khó cũng cứ cho nhau đến hết để có cùng đỉnh chung nguyện ước. Chợt thức giấc giữa ngày thấy hồn vẫn còn hoang mang. Tình si có dắt dìu vào ngơi nghỉ hay sẽ tan tành vỗ cánh. Tìm vào tình yêu là mưu cầu một thiên chức đẹp cho đôi tâm hồn ấm áp hay thấm thía xót xa thêm bao điều nhân linh đôi ngã muốn hỏi mà không biết hay thấy câu trả lời? Phạm Duy chắc cũng đã từng thất vọng ý thức về những hạnh ngộ mỏng manh của cõi sinh ký tử quy. Thất vọng nhưng không tuyệt vọng. Ông muốn đang nhìn thấy ánh đuốc giữa đêm thâu đẩy lùi bóng tối của tuyệt lộ muộn phiền vào một pháp luân bất kỳ nơi ấy không gian không đụng được thời gian để tan tành, vãng sanh. Chúng sẽ giao thoa hóa kiếp, tận tụy dìu nhau ,dìu nhau tận tụy đến nỗi không cần biết đến bao giờ.
Nhạc Phạm Duy mang nét đặc biệt của mình: Rất thắm thiết đắm say, rất lãng mạn nồng nàn, và … rất Việt. Ý nhạc Phạm Duy rất gần gũi với tâm hồn vì ông len lỏi vào nhạc của mình thoang thoảng những hơi hướm của ngũ âm. Từ ngữ ông xử dụng không cầu kỳ, kiêu sa, bóng bẩy nhưng lại dễ dàng tạo nên rung cảm cho người nghe. Phần lớn những nhạc phẩm ngợi ca tình yêu của Phạm Duy ít nhiều gì đó có mang tính cách nghiệt ngã của định mệnh như cặp tình nhân “dìu nhau đưa nhau vào ngàn thu…” Cho nên có lẽ với Phạm Duy, yêu là yêu ngay cho vội vàng, nồng nhiệt, cho say đắm, cho đắng cay vì đâu biết được ngày mai ra sao, có sinh ly tử biệt không? Huy Thắng trong nhạc phẩm Thương Tình Ca sẽ cho ta nghe lại tình ý muôn thuở của Phạm Duy. Lê Vũ mang vào Thương Tình Ca tiết tấu của soft rock và pop để thay thế cho cách chơi giao hưởng chậm rãi gần như ad lib của những ca sĩ trước đây. Mong người thưởng thức vẫn cảm nhận được nét Phạm Duy trong cách chơi mới này.