Sá gì đâu…
Lối đi ấy dù có chất chứa bao nhiêu tình cũng chỉ là nẻo khuất giữa hai lề đường lặng lẽ . Mái ngói vẫn thân quen nhưng cửa sổ bên dưới đã cài then để dấu kín những muộn phiền. Phố nhỏ này từng mang tên một tình yêu. Nói ngược lại cũng được. Cốt để không thể quên …Tình hơi muộn nên cứ ngờ ngợ làm sao nhưng rất thắm khi đã lên màu và thật dễ thương là những gì tiếp nối. Cho đến khi chiến cuộc như tiếng sét thinh không chặt ngang tất cả. Cho đến khi hoàn hồn chới với tìm nhau thì chỉ còn chất ngất niềm nhớ thôi chứ tình yêu cùng hình hài của nó đã ra người thiên cổ. Thế mới hay cái ý nhiệm màu không dành riêng cho phép lạ. Nó có ngay trong tình yêu, mãnh liệt đến nỗi dù mất đi cũng không có nghĩa là đã chết. Thật vậy, NỖI LÒNG lắm khi thổn thức vẫn sẽ là sinh khí khôn nguôi dành cho con tim và mộng ước.
Hoàng Cương lưu bút
Phải xem nhạc phẩm “Nỗi Lòng” này như một kiệt tác “dị biến” của nhạc sĩ Nguyễn Văn Khánh bởi vì những nhạc phẩm khác của ông đều rất bình thường ít người biết đến. Với “Nỗi Lòng”, nét nhạc tân kỳ mang tính cách nửa blues nửa jazz tạo ấn tượng sâu đậm cho người nghe ngay từ đầu. Trình bày “Nỗi Lòng” cũng là một thử thách đáng kể cho người hát. Đối với Lê Vũ, giai điệu đăc biệt này đòi hỏi người diễn tả phải bộc lộ một thái độ thích ứng trong giọng hát, cách ngân, cách bỏ nhịp. Nữ ca sĩ Bích Chiêu có thể được xem như là người đầu tiên mang nhiều nét mới thích thú vào cách trình bày nhạc phẩm này; khác hẳn với cách hát nhẹ nhàng nhưng thiếu sáng tạo của Sĩ Phú. Những ca sĩ sau này cũng cố gắng lột tả nét bluesy, jazzy của “Nỗi Lòng” bằng cách hát lơi, hát chen với hơi thở… nhưng tựu trung vẫn chưa ai có thể diễn tả tinh thần nhạc blues/jazz của nhạc phẩm này như ca sĩ Bích Chiêu.
Đáng lý ra nhạc phẩm này được chuẩn bị để Nguyễn Thảo trình bày với phong cách hát “không theo truyền thống” của anh. Nhưng vì một số lý do đặc biệt cho nên NT không thâu được. Vì thế Lê Vũ đành là người hát “Nỗi Lòng” lần này. Để thay cho slow 12/8 mà phần lớn hòa âm cho bài này được viết trước đây, LV xử dụng tiết tấu của bossa nova nhanh 4/4 để làm nền cho những nốt nhạc thật chõi với nhịp mạnh, tạo nên phong cách hoàn toàn khác biệt so với những phiên bản “Nỗi Lòng” trước đây. LV dùng tiếng kèn trombone và muted trumpet để đẩy đưa cho giai điệu chọn lọc nhiều đảo phách này. Nhạc nền do rhodes piano, acoustic piano, string ensemble và đặc biệt là tiếng bass mạnh mẽ, nhịp nhàng vẫn là tiêu biểu cho tiết tấu bossa nova với một chút thay đổi. Nếu quí vị đã nghe và yêu mến cách hát đảo phách của Quốc Hùng trong bài “Thuở Ban Đầu” thì mong rằng quí vị sẽ đón nhận phong cách mới của “Nỗi Lòng” dễ dàng hơn.
Nỗi Lòng