“Chiều Về Trên Sông”

2013 Copyright@Ngoc Hoang’s Photography
Hình như  đỉnh núi cao càng hiểm trở bao nhiêu thì chí cùng cũng chỉ để  cho ông càng mãn nguyện hơn khi cắm màu cờ chiến thắng lên đó làm chứng tích cho một thử thách đã bị chinh phục.  Thật khó tin ông  sẽ ngừng nghỉ khi  thành tích xứng đáng, mãn nguyện hơn đang đợi chờ ở những đỉnh cao khác.  Cứ để tài năng âm  nhạc thao túng kết nối khát khao  sáng tác vào  hương sắc nhân tình.  Lúc này sống với tình tự quê hương.  Lúc khác đưa đẩy sóng tình  dâng cao  theo phím đàn.
Nhật ký không cần thiết cho ông nữa vì đọc, nghe và hát nhạc ông khiến người đời đã giúp ông làm việc đó.  Khác chăng là tùy ý thích người thưởng thức mà đoạn nhật ký nào được nhớ đến nhiều hơn.  Ai cũng biết ông đa tình, đa cảm đến độ thái quá, cũng không dấu giếm chúng bằng cách phơi bày cả lên cho mọi người  biết.  Bỏ qua bên cạnh những khen chê có tính thời sự về ông để tìm vào một nẻo khuất khá tinh tế, trong sáng và tự nhiên hơn ở một nhạc sĩ  từng có  một sức sáng tác mãnh liệt qua nhiều thế hệ, thử cùng  chia xẻ tâm sự của ông.  Ngày dài qua đi với nỗi niềm hoài mong.  Một lúc nào đó bất chợt nhận ra giòng sông  êm trôi khi chiều xuống chính là hình ảnh của đời mình.  Bên giòng sông Cửu Long chợt nghe văng vẳng tiếng thơ của Bà Huyện Thanh Quan trong  2 câu cuối của bài “Bước Tới Đèo Ngang”:
                         Dừng chân đứng lại trời non nước
                         Một mảnh tình riêng ta với ta.
Hoàng Cương lưu bút

Chiều Về Trên Sông là giai điệu của kỷ niệm thời thơ ấu.  Thuở đó, cứ lúc ánh nắng chiều bắt đầu le lói tắt dần là nhóc tì Lê Vũ lại nghe Thái Thanh ai oán văng vẳng trên radio nhà ai.  Dù còn bé cũng cảm thấy nỗi bâng khuâng, nao nao không diễn tả được…  Qua bao năm tháng nét nhạc vẫn luôn mang đến cho Lê Vũ tâm tình hoài niệm, khoắc khoải dù trong hoàn cảnh nào – nhớ lại căn nhà cũ, khu vườn cũ trong ráng chiều bàng bạc.  Có lẽ vì cung bậc ngũ âm đặc biệt của bài chăng?  Người Việt đã có âm hưởng ngũ âm trong xương tủy nên cũng không khỏi bị thu hút bởi nét nhạc ngũ âm tài tình này.  Hay có phải vì tác giả gợi cảnh chiều lãng đãng trên sông Cửu Long mang đến nỗi buồn xa xứ khôn nguôi? Ai không nhớ nhà, ai không hoài niệm?  Lê Vũ dùng dàn string ensembles trải dài để tạo nên không gian bao la, rộng lớn của trời, mây, sông nước.  Tiếng french horn mang lại nét nghiệt ngã, phũ phàng của biệt ly, xa cách.  Oboe và flute len lỏi vào như nỗi buồn heo hắt, rưng rưng không cưỡng được.  Tiếng timpani được xử dụng trong phần lớn của bài như nhịp chẩy của giòng sông, của thời gian trôi đi không trở lại…    Huy Thắng và Chiều Về Trên Sông.

Huy Thắng

Comments are closed.

Blog at WordPress.com.

Up ↑

%d bloggers like this: