
Nhạc phẩm Summertime ra đời năm 1935 và nhanh chóng trở thành một trong những bài hát được trình diễn và thu thanh nhiều nhất trong lịch sử âm nhạc xứ Cờ Hoa, và được xem là một tuyệt tác của nhạc sĩ George Gershwin và văn sĩ DuBose Hayward trong thể điệu jazz-blues thời ấy. Cách nửa vòng trái đất, đầu thập niên 1970, Hoàng Nguyên thường ngồi thả hồn theo âm điệu khắc khoải của Summertime qua khói thuốc và men cà phê đắng của đường phố Sài Gòn. Trong tâm trạng u uất của tình người, có đó rồi mất đó, thầy giáo việt văn Hoàng Nguyên đã khởi đầu tuyệt tình ca “Cho người tình lỡ” với âm hưởng Summertime rồi đi thật xa, thật sâu vào dòng sông nước mắt của mối tình thầy trò ngang trái. Năm 1957 Hoàng Nguyên bị đầy ra ngoài Côn Đảo chỉ vì ông bị bắt gặp với bài Tiến quân ca của Văn Cao, một nhạc sĩ kẹt lại miền Bắc mà ông rất ái mộ. Nhưng, trong cái cực khổ có cái cực sướng, trong sa mạc tù đầy đã có nguồn nước ái ân – Hoàng Nguyên được đặc cách kèm học cho con gái rượu của chúa đảo, mà có học thì phải có hành. Một hôm chúa đảo đi vắng, và bài tập hôm ấy là vở kịch ông Adam bà Eva hồn nhiên, tự nhiên, tự xử trong vườn địa đàng. Sau những lời hăm dọa và hứa hẹn, Hoàng Nguyên được thả về Sài Gòn, trở lại sinh hoạt văn nghệ và tiếp tục kèm trẻ tư gia. Lại thêm một tình yêu học trò, nhưng lần này ông đụng dân quậy nên thường trầm tư u uất, tưởng nhớ đến những cơn sóng tình vụng trộm trên hải đảo. Rồi cô gái đảo buồn tình lên xe hoa, gởi lại Hoàng Nguyên rừng thu sầu cảm và những giọt nước mắt mãi mãi xót xa “cho người tình lỡ”. Dường như Hoàng Nguyên đã linh cảm điều chi. Năm 1973 ông đột ngột chết thảm trong một tai nạn xe cộ ở Vũng Tàu khi mới bước vào tuổi 40, ra đi như tia nắng vụt tắt không một lời từ giã.
“Ta giờ đây như rừng thu, nắng lịm với chiếc lá vàng cuối mùa”.
Ẩn Danh lưu bút.
Nhạc Việt có rất nhiều bài viết theo nhịp 3/4. Nhanh như valse hoặc là chậm như boston (slow waltz). Thể điệu này rất nhịp nhàng nhưng vì thể có thể trở thành đơn điệu, dễ đoán, dễ nhàm chán. Đó là lý do tại sao cá nhân Lê Vũ không thường dùng 3/4 trong hòa âm. Làm thế nào để biến một bản nhạc 3/4 chậm buồn lê thê thành một bài nhạc có nhiều thay đổi, biến khúc? Đây luôn là một thử thách. Trong “Cho Người Tình Lỡ” 3/4 được chuyển thành 6/8 với nhịp trống mạnh mẽ của nhạc rock. Tiếng bass được nhấn mạnh vào phách yếu đối chõi với tiếng snare ở nhịp 1/8 và 4/8. Trong khi đó thì đàn harp giữ arpeggio đều đặn cùng với đàn guitar thùng. Piano là những điểm xuyết nhẹ nhàng theo tiếng hát. Hát điệu 6/8 đã khó lại càng khó hơn khi phải hát một bài 3/4 chuyển qua 6/8. Quốc Hùng một lần nữa lại dấn thân vào một thử thách mới. Xin mời nghe.
Quốc Hùng