
Tôi có người bạn thuở thiếu thời đã từng ôm radio học những ca khúc phổ biến rộng rãi thời bấy giờ như “Mùa Thu Trong Mưa”, “Phố Đêm”. Tìm lại được nhau sau mấy mươi năm biệt tăm, tôi gửi anh vài bài nhạc tôi thâu để nhớ lại những kỷ niệm xưa. Chờ lâu ngày không thấy hồi âm. Tôi gọi điện. Anh bảo: phải kiếm lúc để len-lén nghe. Nên chưa nghe. Chết chưa, sao phải lén lút vậy. Anh thú thật: thì lỡ ai hay được sẽ đồn mình sến thì có chết.
Tôi đâm ra thắc mắc: sến là gì? Chất liệu gì làm một ca khúc sến? Ca từ, giai điệu, hình ảnh trong ca khúc, hay là cách diễn tả của ca sĩ? Tại sao sến phải mang một stigma như vậy? Cứ như cô Hester Prynne trong “The Scarlet Letter” phải mang một chữ A chói chang vì tội ngoại tình. Cái tội của sến là gì?
Tìm hiểu nhạc sến thì phải biết đến nhạc “không sến”. Dưới thời đầu Pháp thuộc, bậc trưởng giả Việt mau chóng học hỏi và đã say mê những khúc nhạc thịnh hành của Pháp. Sợ mất gốc, một số trí sĩ đã đem ý phổ biến nhạc Việt viết theo giai điệu Tây phương. Từ đó dòng nhạc Tiền chiến xuất hiện và lưu hành, có lẽ là không rộng rãi vì thường chỉ trong giới thượng lưu và có khuynh hướng vọng ngoại.
Mãi đến lúc nhạc “không sến” lưu lạc vào Nam, bị ảnh hưởng cuả cải lương mới biến đổi trở thành những khúc ca dễ dãi không cầu kỳ dễ nhớ, lời lẽ giãn dị dễ hiểu mau thuộc, và đã chóng phổ biến trong giới bình dân. Và nhạc sến đã ra đời như một dòng nhạc đặc thù của người Việt Nam.
Xuất xứ của từ ngữ “sến” vẫn còn mơ hồ, nhưng đa số đồng ý là biến dạng của chữ “sen” chỉ những người giúp việc trong những gia đình khá giả. Trong khi chủ đang mơ màng với những ca khúc Tiền chiến bóng bẩy đầy thi vị bên những ly rượu vang, thì những cô sen cũng rúng động không kém qua những tình khúc lâm ly, mơ màng tưởng nhớ đến những người trai hào hùng phong sương sẽ trở về mang cô rời xa cái… máy nước. Có lẽ vì những Marie Sến và Jaqueline fontaine, và sự thịnh hành trong giới bình dân, đã khiến một số thính giả ly cách họ với nhạc sến, tương tự như những người Mỹ trắng đã xa lánh dòng nhạc họ cho là “quỷ ám” của người da đen dưới thời nô lệ.
Cũng tương tự như nhạc sến, nhạc Blues là con đẻ của nhạc cổ điển Tây phương và nhạc dân tộc Phi châu. Trong bối cảnh nô lệ, nhạc Blues, thường là những ca khúc ngắn gọn giản dị, đầy than vãn thân phận, bất trắc tình yêu, được viết bất chấp quy luật âm nhạc (cổ điển). Ca sĩ thường hát với đôi ba nhạc cụ, tự do phóng khoáng trong lúc diễn đạt ca khúc, nên thường lời lẽ cũng như âm điệu thay đổi tuỳ tâm tình. Từ nhạc Blues, Jazz ra đời và đã chinh phục thế giới cả trăm năm nay.
Trở về nhạc sến, từ những mối tình ngang trái cho đến những lúc từ giã nhau vì chiến cuộc sôi nỗi, đến những khi ngoài trận địa nhớ mẹ nhớ vợ nhớ người yêu, những lời tâm sự mộc mạc đã ghi lại cả một chương lịch sử của miền nam Việt Nam.
Tạp ghi tháng Giêng
PS: Xin cảm ơn anh Ngu Yên đã cho những ý kiến và tham khảo về nhạc sến.
Tại sao lại gọi là nhạc sến? Có lẽ tạp ghi của Nguyễn Thảo đã trả lời cho chúng ta ở trên. Theo LV thì nghe nhạc Việt mà bỏ qua “nhạc sến” thì không thể xem là đầy đủ được. Thậm chí có thể xem là hơi thiển cận nếu cho rằng nhạc sến làm giảm giá trị người nghe. Nhất là trong thời đại này khi việc phân biệt “sang” hay “hèn” dựa trên thẩm vị của nhạc đáng buồn cười như thế nào. Mỗi dòng nhạc có cái hay riêng. Nếu nhạc tiền chiến (sau này thêm vào dòng tân nhạc) lãng mạn, du dương với ảnh hưởng nặng của nhạc Tây phương; thì nhạc sến thân thiết, đầy tâm sự, gần gũi với tâm hồn Việt. Những lời nhạc cao xa, bóng bẩy trong những giai điệu uyển chuyển cầu kỳ của Từ Công Phụng hay Ngô Thụy Miên được xem như “nhạc sang;” tuy nhiên diễn tả của tâm tình lại mơ hồ, mông lung. Người nghe có thể thưởng thức giai điệu lôi cuốn, ngôn từ đẹp đẽ; nhưng khó có thể nói là mình cảm nhận được tâm tình gần gũi của cuộc sống chung quanh. Trên phương diện đó thì “nhạc sang” có thể được xem là đã thiếu xót trong việc phản ánh đời sống thực của chúng ta ngày đó. Có thể đó là một hình thức “trốn tránh nghiệt ngã của sự thật” hay không? Trong khi đó “nhạc sến” kể cho ta về cuộc sống thực, về chiến cuộc khốc liệt, về xa cách, về ngang trái, về những éo le, bất trắc … Với cái tính cách đó, “nhạc sến” rất thật, không mơ hồ xa lánh cuộc đời như”nhạc sang.” Cái đó có khác gì với nhạc Blues, nhạc Jazz của xứ Mỹ này đâu? Lê Vũ và Nguyễn Thảo đang cố gắng giới thiệu lại những tác phẩm “nhạc sến” qua một cái nhìn mới. Bỏ đi những diễn tả cường điệu, rên rỉ, ỉ ôi; bỏ đi những nét kịch tính không cần thiết của những ca sĩ ngày trước; hy vọng “nhạc sến” qua LeVuMusic sẽ là nhạc “đáng để nghe.” Xin mời thưởng thức “Sầu Lẻ Bóng” qua thể loại ballad với tiếng hát Nguyễn Thảo.
Đặc biệt mong đọi nhiều góp ý của quý thính giả về nhạc sến cải biên. Xin trân trọng.
Đang nghi ngờ giọng NT sẽ khó hợp với “nhạc sến”, một thể nhạc đòi hỏi giọng hát rất riêng biệt. Chính mình cũng rất thích một số bài trong thể nhạc này mà hát nghe chả ra gì ….thật thú vị hôm nay được nghe Sầu lẻ bóng qua tay 2 anh LV & NT thật thấm thía ngọt lịm 👏👏…. biết đâu đâu mai mốt mình cũng được thử chăng?! 🙂
LikeLike
Những bản nhạc xưa đều là những bản nhạc buồn, đã gợi lại trong tâm tư những nỗi buồn. Rất hay aNT. Cám ơn trang nhạc aLV đã cho nghe những bản nhạc buồn.
LikeLike