Trong thế giới của loài hoa thì Ngọc Lan hay Bạch Ngọc Lan là một đóa hoa trắng muốt, mảnh mai, cánh hoa thon dài một vẻ đẹp kiêu sa, và thơm ngát một mùi hương nhẹ nhàng nhưng vô cùng quyến rũ. Người con gái có sắc đẹp như hoa Ngọc Lan, mượt mà sang trọng, đôi chân thon dài thơm ngát, thì quả là tiên giáng trần để làm điên đảo cõi ta bà. Ngọc Lan, bài hát, cũng như thế. Sang trọng trong âm giai, mượt mà trong vần thơ, bí hiểm trong nét chữ, thơm ngát hương tình yêu, điên đảo trong tâm hồn, và kiêu sa trong nỗi nhớ. Ngọc Lan, bài hát, đầy quyến rũ của “mắt thu hồ dịu ánh vàng” và hạnh phúc êm đềm của “giấc xuân yêu kiều”, tương phản với đôi mắt đẫm lệ của “mạch tương lai láng” và nỗi chia lìa ngang trái của “phút khuê ly”. Nhạc sĩ đẹp trai và tài hoa Dương Thiệu Tước (1915-1995) sáng tác Ngọc Lan năm 1935 trong tiếc nuối khôn cùng khi vừa đánh mất một bông Bạch Ngọc Lan thơm ngát mùi sơn cước. Nàng là con gái rượu của quan tổng đốc họ Vi gốc người Nùng, và dĩ nhiên nàng phải đẹp não nùng. Để đến 1953 ông mới trình làng bài Ngọc Lan với hạnh phúc mới, người tình Ngọc Trâm tức ca sĩ Minh Trang. Diễm phúc cuối đời của Dương Thiệu Tước khi vừa tròn 65 là cô học trò tuổi đôi mươi, một tây ban cầm thủ xuất sắc, và cũng là đóa hoa đã chăm sóc và tiễn đưa ông về cõi vĩnh hằng.
Ngọc Lan lưu bút
“Ngọc Lan” của Dương Thiệu Tước được xem như là một trong số những bài nhạc Việt khó hát, khó trình bày và cũng khó hòa âm. Nhạc phẩm này chỉ được những ca sĩ gạo cội với kỹ thuật cao của làng nhạc Việt trình bày như Thái Thanh, Kim Tước, và sau này là Trần Thu Hà. Nhạc phẩm này mạnh về tính giao hưởng. Những phiên bản trước của “Ngọc Lan” đều là do những dàn nhạc giao hưởng hùng hậu đảm trách. Đặc biệt là chưa từng có giọng nam nào hát “Ngọc Lan”. Nay LeVuMusic bạo dạn giới thiệu “Ngọc Lan” theo phong cách mới. Nét nhạc cổ điển vẫn có ở đó, nhưng khuynh hướng nhạc pop được xen lẫn vào bằng tiếng piano theo scale đơn giản nhưng lôi cuốn, tiếng bass vào nhịp chõi, và tiếng đàn guitar đệm theo tiết tấu nhạc mới. Đây cũng là một thử thách cho giọng nam Quốc Hùng khi phải dùng làn hơi nam tính của mình để diễn tả một giai điệu có lẽ chỉ viết cho giọng nữ. ” Một liều ba bẩy cũng liều”, nếu mình không làm thì ai làm đây? Mời quí vị thưởng thức “Ngọc Lan”.
Quốc Hùng
YouTube video