Ví như có một tấm gương thần được sáng chế để mọi cặp tình nhân đang yêu nhau say đắm, hăm hở đòi kết đôi trên đời này có thể soi nhìn vào mà thấy trước tất cả mọi đổi thay theo năm tháng sẽ xảy ra trong cuộc sống chung từ đầu đến cuối thì có lẽ sẽ xảy ra chuyện nhiều cô cậu quyết lấy nhau cho kỳ được bất chấp mọi bất cập về xấu tướng, giàu nghèo, học vị, môn đăng hộ đối . Sao vậy? Vì nhìn vô gương thần cả hai đều thấy vật cùng tất biến, biến tất thông, hậu vận cực tốt. Ngược lại nhiều cô dâu hay chú rể tương lai bỗng đổi ý thôi kết hôn ngay lập tức khiến su gia hai họ ngẩn ngơ đứng nhìn,lắc đầu không hiểu cớ sao nên sự ấy; trong khi giấy mời tham dự Lễ Cưới đã bay đi khắp nơi.Có gì đâu! Vì trong gương họ thấy điều không muốn thấy sẽ xảy đến cho người này, hay người kia,hay cho cả hai trong một tai nạn đại loại như Titanic, World Trade Centers hay Malaysia Flight MH370… “Buồn vui cách nhau không xa”.Thôi thà là Runaway Bride hay Runaway Groom cho chắc ăn.
Y Vân – Lê Trọng Nguyễn khi làm nên Cát Biển lại gieo vào lòng người nghe một niềm tin khác, nhỏ bé thôi để thoát ra khỏi mọi ràng buộc thường tình, cố hữu của khát khao, kỳ vọng và khổ đau. Dễ dàng đi! để đón nhận ước mơ tình yêu đơn sơ như bàn tay êm ái, nụ cười dịu dàng của một người bạn đường vào hạnh phúc ngay hôm nay, bây giờ, sống thực, ngây thơ và hiện sinh như cảm nhận thấm thiá hương hoa phù dung trong từng hơi thở của nhân tình…vì ngày mai và viễn vông chỉ là một.
Hoàng Cương lưu bút
Nhạc phẩm “Cát Biển” có thể được xem như là một trong ít những bông hoa lạ, hiếm hoi trong vườn nhạc Việt. Nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn và Y Vân đã mang vào trong nhạc phẩm này tính cách jazz big band thật mạnh mẽ và điêu nghệ. Nhưng có lẽ cũng vì nét jazz bạo dạn ít quen thuộc này mà “Cát Biển” ít được ca sĩ chọn để trình bày. Tìm trên web chỉ thấy được ca sĩ Quang Tuấn là người trình bày bài “Cát Biển” này. Bài này rất khó hát vì giai điệu không theo lẽ thông thường, khác hẳn với phần lớn nhạc Việt chậm buồn, sầu khổ, ủy mị mà đại đa số quần chúng hay nghe. Đây cũng là điểm tương phản lớn lao giữa nhạc Việt ta và nhạc Mỹ. Phần lớn nhạc sĩ ta đặt nặng tâm sức vào giai điệu (melody) và ngôn từ (lyrics). Lời lẽ phải thật súc tích, trau chuốt, gợi cảm. Càng súc tích, càng được xem là nhạc “sang”. Giai điệu phải trầm bổng, dịu dàng, thắm thiết. Tuy nhiên hiếm có nhạc sĩ Việt phát triển nhạc của mình về lãnh vực tiết tấu (rhythm and beats). Quanh đi quẩn lại chỉ có slow rock 12/8, boston 3/4, rhumba & bolero, và một số ít là valse 3/4, tango…. thế thôi. Tân nhạc Việt Nam ta có lẽ chịu ảnh hưởng nhiều nét Tây phương và giòng nhạc cổ điển (classical music) cho nên phần nhiều vẫn còn khá gò bó trong khuôn khổ chật hẹp. Trong khi đó thì nhạc Mỹ, bên cạnh melody và lyrics, rhythm và beats rất được chú trọng. Thêm vào đó là những phá cách bất chợt được xử dụng một cách không ngần ngại. Vì thế giòng nhạc Mỹ có thể nói là thiên biến vạn hóa, phát triển không ngừng, và được ưa chuộng khắp nơi trên thế giới. Tại sao không học cái hay của người ta, vượt thoát ra khỏi ràng buộc xưa cũ đó mà đưa nhạc ta đến chân trời mới?
“Cát Biển” là một trong những cố gắng đó, mặc dù hiếm hoi. Phá cách jazz được xử dụng nhiều trong bài này qua dàn brass ensemble. Chord progression có rất nhiều hợp âm lạ tai dễ khiến cho ca sĩ mất phương hướng, nếu không tập luyện kỹ càng. Lê Vũ được anh Hoàng Cương giới thiêu đến bài này từ rất lâu rồi nhưng đến nay mới hoàn tất được. Xin gửi đến quí thính giả nhạc phẩm jazz rất đặc biệt qua tiếng hát Hoàng Cương.
Hoàng Cương