Nhớ Người

Photo by Nguyễn Thị Lệ Liễu
Photo by Nguyễn Thị Lệ Liễu

Thường thì khi giới thiệu một bài hát, LV nhờ người hát viết đôi lời bày tỏ tâm tình của mình với bài. Sau đó LV thêm thắt vào vài nhận định riêng của mình về cách hòa âm, hoặc phong cách của bài hát.  Có người chịu viết vài câu, tỷ dụ như Hoàng Cương, Quốc Hùng, Nguyễn Thảo.  Có người chẳng bao giờ viết gì hết như Huy Thắng, Ngọc Hoàng.  LV cũng theo chủ trương tự do, viết thì tốt, không biết viết gì cũng không sao.  Nói cho cùng thì đây không phải là trang viết lách, văn chương.  Mình dùng tiếng nhạc để thuyết phục người nghe vậy.

Tuy nhiên bài lên tuần này là một ngoại lệ đặc biệt.  Nhạc phẩm “Nhớ Người” này là thơ của Tịnh Cơ Nguyễn Thị Lệ Liễu, Ngu Yên phổ nhạc.  Để giới thiệu tác phẩm và tác giả,  Nguyễn Thảo đã góp ghép email và text qua lại giữa người viết, người hát, người hòa âm thành một cuộc đối thoại lý thú, đầy tính văn học nghệ thuật.  Xin mời thưởng thức.

 

Nhớ Người, Hội Thoại qua Điện Thư

NT:  “Nhớ Người”, bài thơ của Tịnh Cơ, Ngu Yên phổ nhạc. Lần đầu nghe chị Ngọc Phụng hát “Nhớ Người” vào khoảng năm 1978, 1979 lúc ở Little Rock trong những đêm văn nghệ bỏ túi. Hình như đây là một trong rất ít tác phẩm thơ mộng mà anh Ngu Yên đã sáng tác. Tìm “Ngu Yên” ở đâu trong nhạc phẩm này?

Ngu Yên (NY):  Thời gian và âm nhạc thay đổi sắc màu và hình thể của tâm hồn. Đã có thời lãng mạn tất có thời đăm chiêu. Tâm hồn có hôm ướt vì mưa tất sẽ có ngày cháy vì nắng. Vì vậy mà nhạc phẩm “Nhớ Người” và nhạc phẩm “Bóng Nắng Khuya” mới có cơ hội khác nhau.  Người nhạc sĩ như cây sáo Trương Chi, khi gió nhẹ thổi qua, bật lên tiếng du dương. Khi gió bão ào ạt, sáo rít gào kinh động. Dù là réo rắt hay thảm thương, dù là trầm bổng hay than oán, đều đến từ trái tim Trương Chi, sẽ có ngày thành chén ngọc, rồi vỡ tan vì nước mắt Mỵ Nương. Có lẽ ông Beethoven đã từng đọc truyện này nên đã nói rằng: “Âm nhạc có thể nổi lửa trong tim người đàn ông và tuôn dòng lệ từ đôi mắt phụ nữ.” Cũng vì vậy nhạc phẩm “Nhớ Người” được sinh ra theo lời thơ cảm động của Tịnh Cơ (TC).

“Đốt que diêm, tìm người trong lá
Thấy đất trời cao, lòng rối bời…”

Hai câu thơ này đã thì thầm một cách lồng lộng, rồi nhẹ nhàng đáp xuống những nốt nhạc. Bắt đầu cho những câu thơ khác nhập vào : Xưa ta về đường mòn gót nhỏ…. Xưa ta về đường mưa ướt lối….Nay ta về đường dài khách lạ….Có ai trong chúng ta chưa từng đi quen về lạ? Có ai trong chúng ta không ngậm ngùi khi lạ xóa nhòa những cảnh quen? Thi sĩ Hồ Dzếnh cũng vậy: ” Nhớ nhà châm điếu thuốc, khói huyền bay lên cây..”  Hiện đại hơn, chính là đốt que diêm tìm người trong lá…

NT:  Riêng chị TC khi “đốt que diêm” đễ viết “Nhớ Người”, chị đã tìm lại một trời kỷ niệm, xin chị cho biết thêm về bài thơ?

TC:  Đó là khoảng thời gian buồn bã, hoang mang.  Như một cây non bị bứng rễ mang trồng vào một vùng đất lạ, èo ọt cố vươn lên để sống, tôi cũng gắng gượng lấp đầy các khoảng trống thời gian bằng cách moi móc ký ức, chép lại những bài thơ cũ mà tôi đã đọc và còn nhớ. Và như thế tôi thở bằng thơ, và thơ lên lỏi vào tôi không báo trước.  Những kỷ niệm, những nhớ nhung, về một thành phố cũ, về bạn bè đã xa, về những người thân không biết bao giờ gặp lại đã kết thành bài thơ “Nhớ Người”, được viết vào năm 1978, đăng trong Văn Học Nghệ Thuật bộ cũ (chủ nhiệm nhà văn Võ Phiến, chủ bút nhà văn Nguyễn Tất Điều).

NT:  Thời đó, chị đã viết dưới bút hiệu Nguyễn Thị Mưa Sa.  Rồi đổi qua Tịnh Cơ. Nhà văn Võ Phiến có viết một đoạn phê bình ngắn rất thú vị xin đựơc in lại sau đây.

unknown

Mà hình như chị sáng tác ít, nhưng chị rất kỹ lưỡng trong chữ nghĩa.  Sau này chị chuyển qua nhiếp ảnh.  Những hình ảnh của chị cũng được phối trí rất chặt chẽ. Tuy nhiên riêng “Nhớ Người”, tình cảm dù nhẹ nhàng, lại rất buông thả.  Vì vậy giọng thơ nghe rất trẻ, rất lãng mạn. Bài thơ thật đẹp, thật cảm.  Xin được chụp lại nguyên bản từ nguyệt san VHNT.

 

Nho Nguoi tho

 

TC: Tôi không ôm mộng làm thi sĩ, nên tôi không “làm” thơ, mà thơ “hiện” ra trong tôi.  Những lúc đó tôi sẽ vơ lấy bất kỳ mẫu giấy nào và chép lại.  Thơ, Ảnh, tôi “yêu” đều nhau.  Nên chi, trong thơ có ảnh, trong ảnh có thơ.  Tôi có định đi xa hơn trên con đường thi văn?  Bây giờ tôi không còn là Tịnh Cơ của mấy mươi năm về trước nữa.  Tôi bây giờ…..

…Có người đàn bà
Đi qua giòng sông
Ngồi trên thuyền độc mộc
Tóc như mây trắng
Bay vào hư không
…………………….
Lòng trống không.

NT:   Như thế TC một thiếu nữ đã lớn lên, đã trưởng thành với một tâm thơ thiền tịnh.  Nhưng vẫn rất thơ.  Chị vẫn tiếp tục con đường nghệ thuật và cộng tác thường xuyên trên Gio-o.com (Gió O, do nhà văn Lê Thị Huệ chủ biên) dưới tên thật của chị Nguyễn Thị Lệ Liễu.

Bây giờ xin vấn đến người chủ trương mạng nhạc Lê Vũ.  “Nhớ Người”, một bài nhạc nhẹ, một thành phố biển, một mối tình thơ, hình ảnh của những ngày mới lớn. Điệu Boston diễm lệ cho người nghe man mác.  Nhưng Lê Vũ đã chuyển qua Samba/Bolero, chuyển 3/4 qua 4/4, vì sao vậy?

LV:   Ai bảo là boston mới là diễm lệ!  Samba/Bolero cũng diễm lệ vậy…  NT hỏi tôi tại sao chọn 4/4 mà không 3/4? Tôi biết hỏi ai đây.  Ngồi xuống với cây đàn và bản nhạc mình đâu có tính toán trước được cái gì sẽ xẩy ra đâu.  Nhận bài “Nhớ Người” biết là thơ chị TC, nhạc anh NY, NT hát.  Vậy thôi.  Tự hỏi vậy thì cái gì sẽ là hòa âm LV?  Cái cảm giác trừu tượng mơ hồ chợt biến thành hiện hữu sau 5, 7 hợp âm.  Phải đổi ra 4/4. Với 4/4 hơi ngân sẽ được kéo dài hơn, tiếng hát có lẽ sẽ mẫn cảm hơn với khắc khoải niệm từ này hơn, tôi nghĩ vậy.  Thật ra tôi cũng không muốn nghĩ nhiều hơn vậy; khi viết hòa âm cho “Nhớ Người” tôi cũng chẳng quản nhạc ông NY nào, thơ bà TC nào, hay ai hát, tôi chỉ biết có tôi và nỗi dằn vặt riêng tư để tạo ra âm thanh nào đó rung cảm cho chính mình. Có phải là ý thơ hoài niệm của TC, hay là giai điệu ray rứt của NY khiến tôi hòa âm như thế. NT hỏi tôi đủ điều về cách tôi hòa âm bài này.  Tôi đành chịu không biết trả lời như thế nào.  Giống như phải biện hộ cho hành động của mình? Có lẽ không nên làm như thế. Thôi thì để tiếng nhạc giải thích vậy.

NY:   Điệu Boston, chậm chậm, đều đều, buồn buồn như những bước chân ngập ngừng trên đuờng cũ, hoang mang, hoang mang….vào tâm tư nhạc sĩ LV đã trở thành bước chân của thời đại, nhịp tim của thời đại, âm nhạc của thời đại… Cho NT có cơ hội mang những tiếc thương ngày cũ vào tâm tình hôm nay qua tiếng hát hỏi thăm người nghe:

Mốt mai về lại đường xưa
Hỏi trời đất cũ còn chừa lối đi…

NT:   Phải thú thực.  Sau điệp khúc, tiếng trống thoạt nghe hơi… phổ thông.  Nhưng nghe một chặp sau thì tiếng trống bắt đầu “thấm”.  Có gì đó đầy tiếc nuối, rấtthấm thía, khơi dậy một không khí, một thời điểm không còn nữa.  Đây là điểm NT giữ lấy làm mấu chốt để hát “Nhớ Người”.   NT cũng rất thích đoạn cuối từ từ mất dần phối khí, như dĩ vãng nào rồi cũng phai nhạt dần.

NY:  Khi bài hát này đến tai các bạn, chúng tôi đều biến mất.  Có còn chăng là một lối đi của nhạc dẫn về hoài niệm…

Nguyễn Thảo, ghi lại tháng 7 năm 2015

 

 

Nguyễn Thảo

6 thoughts on “Nhớ Người

Add yours

  1. Tiếng nhạc rất hay của Lê Vũ đã nâng cao tầm vóc cho bài Nhớ Người mà basic là không xuất sắc mấy,được được thôi.Riêng giọng của Ng.Thảo cũng phần nào khiến lôi cuốn người nghe

    Like

  2. Có nghe bài này thì chớ quên mang theo một mặt hồ yên tĩnh,thùng nhôm chứa cổ vật và cột thu lôi trên đỉnh nhà thờ.Ngu Yên thường mê chuyện huyễn hoặc nên nhạc của ông luôn có mùi vị kinh dị từ từ đi vào thính giác người nghe…Nhất là bạn Nguyễn Thảo hát nữa thì mình sẽ biến thành Dracula khi nào không biết. Thữ nghĩ bạn đang ngồi giữa rừng mà đầu óc “Nhớ Người” thì khủng khiếp tới cỡ nào. Xin trao lời khen không tiếc đến tấm hình bất hủ của Lệ Liễu. Các bạn hãy nhìn hình này thật kỹ đi để nghiệm xem lời bàn trên đây của tôi có đúng không. Thank You HC-LV với vpânct

    Like

  3. Mưa Sa ,Nhớ Người,Ngu Yên,Nguyễn Thảo tuy ba mà một.Mỗi người một vẻ…Hay ở chỗ không ai giống ai lúc bình thường trong ngày cũng như khi đi ngủ,chụp hình hay hát…Lúc ấy họ trở nên xa lạ lắm!…giữa đời họ biến mất…ngay cả khi Nhớ Người.Ha Há Ha Ha! Haha!

    Like

  4. Khá khen một cuộc hội thoại điện thư thú vị,đã làm cho bài hát trở thành đáng chú ý.Không ngờ Lệ Liễu ngoài tài nhiếp ảnh lại có tâm hồn thơ phong phú,lãng du như thế!

    Like

  5. Cũng là nhạc mà thôi…Có chăng là khác đi một chút bởi Thơ ép vào nhạc,nhạc ôm thơ mà âu yếm hát. Có gì u tịch trong ấy. Nó nghe rồi sẽ tìm Liêu Trai Chí Dị mà đọc…lúc không giờ.

    Like

  6. …Thấy đất trời xa, lòng rối bời…Một bài hát rất hay, rất mới, Cám ơn Lê Vũ, Nguyễn Thảo.

    Like

Leave a Comment/Request

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s

Blog at WordPress.com.

Up ↑

%d bloggers like this: