
Có những khoảng thời gian trong cuộc đời mình đã được gói ghém vào những ca khúc, như những chiếc valise to nhỏ có khóa, một loại hành lý chỉ chứa đựng kỷ niệm, cảm xúc, nằm trong góc tủ chờ đợi một ngày nào được chủ nhân mở ra.
Chẳng cần phải là ca khúc phổ thông của thời điểm nào. Cũng chẳng cần phải có những giai điệu sang trọng lộng lẫy, hay ca từ diễm lệ. Những ca khúc này thường đến rất bất chợt, và dính liền với những biến cố trong đời.
Thời điểm năm 73, khi tất cả anh chị em của tôi đã lập gia đình hoặc vào đại học, tôi bỗng nhiên bắt gặp nỗi cô đơn trống trải trong ngôi nhà trước đó vẫn rộn ràng tiếng nói tiếng cười. Tôi thấy mình bỗng nhiên chới với như đang rơi xuống vực sâu khi nghe Đêm Thấy Ta Là Thác Đổ. Đời ta có khi là đốm lửa một hôm nhóm trong vườn khuya. Vườn khuya đóa hoa nào mới nở. Đời tôi có ai vừa qua. Có ai vừa qua không phải là một câu hỏi. A, hình như tôi mang máng hiểu thế nào là tình yêu.
Năm 75, những đêm nằm ở Vũng Tàu trước khi rời quê hương, tôi ngấu nghiến lời ca Ở Rừng U Minh Ta Không Thấy Em. Tôi có cảm tưởng mình chợt lớn lên thật mau chóng, và đã quá cằncỗi dù vẫn chưa hẳn bước chân vào đời. Nhưng chiến tranh đã cho tôi thấy chuyện sống chết, cho tôi hiểu cái vô thường và mong manh của đời sống. Mỗi con lạch là mỗi xót xa, mỗi dòng sông là mỗi tuổi già. Cuộc chạy loạn hơn một tháng trời, từ Nha Trang vào đến Sài Gòn, đã cho tôi đi qua bao sông lạch?
Rồi tháng ngày trong trại tị nạn, bài hát Bên Ni Bên Nớ lại ám ảnh tôi với những hình ảnh tương lai ma mị. Bên kia thành phố tráng lệ, giai nhân nằm khoe lõa thể. Bên ni phố vắng ơi là ngoại ô. Mặc dù đang ở trên ngay đất Mỹ, đời sống trong trại tỵ nạn với dãy rào kẽm gai, với bức tường ngôn ngữ, với tương lai vô định, tôi cảm nhận sự tương phản giữa ngoại ô tối ám và thành phố tráng lệ, nơi mà những giai nhân chỉ dành riêng cho ai đó, không phải cho tôi.
Thập niên 80, khi đời sống bắt đầu khá ổn định. Những năm tháng đẹp đẽ của đại học vì những giấc mơ về một tương lai mơ hồ, đã được đánh dấu bằng ca khúc Hạnh Phúc Lang Thang. Ngày ấy em như sương trong, nép trên bông hồng, mượt thêm cánh nhung. Hình ảnh thật tinh khiết, thật nhẹ nhàng, thật đẹp, như tôi bất chợt tìm gặp lại tuổi thơ tưởng đã đánh mất trong cuộc chiến. Năm bảy năm trôi qua trên đất lạ đã giúp tôi quên đi phần nào cái bóng tôi đã đeo đuổi suốt thời mới lớn.
Trên sân khấu trường đại học, trong những buổi văn nghệ, tôi đã thả hồn mình phiêu lưu cùng ca khúc này của Trần Ngọc Sơn. Tôi đã chẳng cần biết bản nhạc có kết thúc với một tâm sự u buồn của kẻ thất tình. Tôi chỉ thấy những ngày thơ mộng trên khuôn viên đại học và những ước mơ trong đời mình.
Bây giờ, nhìn lại ngổn ngang mớ kỷ niệm, tôi thấy mình mới thật sự cằn cỗi. Chút sinh lực còn lại tôi đã gào thét trong phiên bản này, đã cho tôi thấy sự tàn lụi của mình. Tôi nhắn bạn: cho một chút blues nhé, vì mình chợt nhận ra niềm thất vọng của người nhạc sĩ (có lẽ là không thật) và của chính mình (rất thật).
Người hát tự cảm nhận sự thật về mình . Như vậy nỗi thất vọng đã truyền vào bài hát trên từng lời và nó đã trở thành cảm xúc thật.
LikeLike
Thiển nghĩ LVmusic còn nhiều bạn nghe nhạc thưởng thức là vì tấm lòng thiết tha của các người làm nhạc . Một mê say lâu dài …
LikeLike
Một lần nữa nhạc khúc này được thưởng thức một cách khởi sắc qua LVmusic. Love your vpânct!😀
LikeLike
Thích nghe vì lối đi này dài theo cung bậc sẽ đưa người nghe vào chốn u mê
LikeLike
Nghe được cảm xúc rất thật của Nguyễn Thảo.
LikeLike