Năm 1981 là lần đầu và là lần duy nhất tôi được gặp, tâm sự với Nguyễn Văn Đông khi ông được đưa từ trại tập trung Suối Máu vào điều trị tại BV Chợ Rẫy SaiGon. Căn bệnh viêm đa thần kinh dù đang cố gắng hủy hoại một cơ thể vốn đang hao gầy vì ngục tù dường như đã không truy tận nổi cái sinh lực sáng tạo nghệ thuật còn dập dồn vang trong tâm thức của người nhạc sĩ đa tài… Đôi khi tình huống nghe ra tuyệt vọng nhưng ông vẫn sống, mỉm cười trên giường bệnh. Phải chăng lòng thiết tha yêu âm nhạc đã đóng sập lại cánh cửa tử thần. Ông hỏi: “Cương nghĩ thế nào về tương lai của mình?”. Tôi trả lời: “Em tin chắc chắn anh sẽ không chết trong tù, sẽ lành bệnh và được trở về”. Trước lúc chia tay ngày ấy tôi được ông ngêu ngao hát tặng một bài tình ca vừa sáng tác trước đó không lâu.
Lâu rồi vào 1958 nhạc phẩm ” Chiều Mưa Biên Giới ” của Nguyễn Văn Đông được công diễn bởi Grand Orchestre De Paris qua giọng hát Trần Văn Trạch đã là cánh chim đầu tiên đưa nhạc tình Việt Nam bay vào khung trời bao la của nhạc tình thế giới với nhiều khen tặng và hưởng ứng nồng nhiệt. Cùng thời gian đó trong nước giòng nhạc giàu tình quê hương, tình yêu giữa mùa chinh chiến hay đậm nét hơn với tình bâng khuâng, hoài mong, vấn vương từ miền chiến tuyến xa xôi đã đưa tên tuổi, hình ảnh Nguyễn Văn Đông sâu rộng vào sinh hoạt văn nghệ của quần chúng hay các đại nhạc hội khắp nơi. Ngại rằng tính ưu tư, đa cảm vừa phong phú, vừa sâu sắc trong nhạc ông làm có thể gây ảnh hưởng tiêu cực trên tinh thần chiến đấu của quân nhân nên đã từng có lúc Cục Tâm Lý Chiến ra lệnh cấm phổ biến trên hệ thống truyền thanh,truyền hình một số bài rất nổi tiếng như : “Chiều Mưa Biên Giới, Mấy Dặm Sơn Khê, Phiên Gác Đêm Xuân…”
Bấy nhiêu tâm sự chỉ hy vọng vẽ nên hình ảnh một Nguyễn Văn Đông đi giữa đường phố mà thôi. Thử tìm sâu vào thêm trong thưởng thức mới thấy hết cái hình hài cùng những giai điệu kỳ thú của một Nguyễn Văn Đông thầm mong điều vừa đơn sơ vừa lãng mạn như từng có lần thấy “xác hoa tàn rơi trên báng súng, ngỡ rằng pháo tung bay” bên chòi canh miền biên giới, giữa một PHIÊN GÁC ĐÊM XUÂN.
Hoàng Cương lưu bút
Tết sắp đến. Hát “Phiên Gác Đêm Xuân” nhớ lại thuở nào. Những âm thanh xử dụng trong bài được chọn lọc để gợi lại nhưng dư âm ngày đó của điệu nhạc rhumba muôn thuở tình tứ… Một chút hoài niệm với xuân xưa qua tiếng hát Hoàng Cương…